Nguồn gốc và bản chất trong thần thoại Me (thần thoại)

Enki và Trật tự thế giới

Trong bài thơ Enki và Trật tự thế giới, những me ban đầu được thu thập bởi Enlil và sau đó được giao cho Enki bảo hộ. Ông ban tặng me cho các thành bang Sumer khác nhau, bắt đầu với thành Eridu do ông bảo trợ cho đến Ur, Meluhha và Dilmun. Enki giao trách nhiệm bảo trợ các nghề thủ công và hiện tượng tự nhiên khác nhau cho các vị thần nhỏ hơn. Bài thơ ca tụng các me của các thành phố khác nhau, nhưng không mô tả rõ về bản thân các me. Các me được phân biệt với chức trách cá nhân của mỗi vị thần bởi vì chúng được gắn với những địa điểm cụ thể hơn là với các vị thần.[2] Sau một đoạn dài ca ngợi Enki, con gái của ông Inanna xuất hiện và phàn nàn rằng bà được giao cho quá ít quyền năng trên lãnh địa của mình. Enki cố gắng xoa dịu bà bằng cách chỉ ra những quyền năng mà bà thực sự sở hữu.[3]

Inanna và Enki

Nguồn thông tin chính về me đến từ bài thơ: "Inanna và Enki: Sự Chuyển giao Nghệ thuật của Nền văn minh từ Eridu sang Uruk" (ETCSL t.1.3.1). Inanna là nữ thần bảo trợ của Uruk và mong muốn tăng cường ảnh hưởng và vinh quang của mình bằng cách mang me từ Eridu đến. Bà đến đền thờ E-abzu của Enki ở Eridu bằng "Thuyền Trời", và nhân lúc ông say rượu, bà đã hỏi xin các me từ Enki rồi lên đường quay về. Enki tỉnh dậy và nhận ra sai lầm của mình nên đã sai người đuổi theo lấy lại me. Tuy nhiên, cuối cùng Inanna đã thành công mang các me trở về Uruk an toàn.[4]

Các phiến đất sét Sumer không bao giờ mô tả các me thực sự trông như thế nào, nhưng chúng được đại diện bởi các vật thể vật lý. Chúng không chỉ được lưu trữ ở một vị trí nổi bật trong đền E-abzu, mà Inanna còn có thể đem chúng cho người dân Uruk xem sau khi bà về tới nơi. Một số trong đó thực sự là các vật thể vật lý như nhạc cụ, nhưng một số lại là các công nghệ như "đan rổ" hoặc khái niệm trừu tượng như "chiến thắng". Bài thơ không chỉ rõ làm thế nào những thứ như vậy có thể được lưu trữ, xử lý hoặc hiển thị.

Không phải tất cả các me đều là những khía cạnh đáng ngưỡng mộ hoặc được khao khát. Bên cạnh các quyền năng như "tính anh hùng" và "chiến thắng", là "sự hủy diệt", "giả dối" và "thù hằn". Người Sumer dường như coi những tệ nạn và tội lỗi đó là một phần không thể tránh khỏi mà nhân loại phải trải qua trong cuộc sống, là mệnh lệnh thiêng liêng và bí ẩn, không thể bị thách thức.[5]